Search

THÔNG TIN KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2024

GIỚI THIỆU KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2024

Với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục và yêu cầu đào tạo toàn diện, từ năm 2018, ĐHQG-HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) nhằm tuyển chọn những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Kết quả kỳ thi ĐGNL giúp mở rộng phương án xét tuyển của các đơn vị trong và ngoài hệ thống ĐHQG-HCM.

Sau 06 năm thực hiện, kỳ thi đã liên tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, nhận được sự đánh giá cao của xã hội, tin tưởng của thí sinh, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM đến từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và số lượng thí sinh tăng đều theo từng năm. Năm 2023, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM có 133.775 lượt đăng ký dự thi (gấp 27 lần so với năm 2018).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL, ĐHQG-HCM ngày càng mở rộng hơn các địa điểm thi và phối hợp với nhiều trường đại học, cao đẳng tại các địa phương để tổ chức kỳ thi ĐGNL. Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM năm 2018 được tổ chức tại 03 địa điểm thi do 05 đơn vị thành viên ĐHQG-HCM triển khai, đến năm 2023, ĐHQG-HCM đã mở rộng phối hợp với 47 trường đại học, cao đẳng để tổ chức kỳ thi ĐGNL tại 86 địa điểm thi trên 21 tỉnh/thành phố. Năm 2024, ĐHQG-HCM mở rộng thêm 03 tỉnh/thành phố (so với năm 2023) và phối hợp với 51 trường đại học, cao đẳng để tổ chức kỳ thi.

Kết quả bài thi ĐGNL có độ tin cậy cao, được nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước tin tưởng, khai thác sử dụng phục vụ tuyển sinh đại học. Số lượng các đơn vị sử dụng kết quả xét tuyển cũng như chỉ tiêu dành cho kỳ thi ĐGNL cũng tăng dần từng năm. Năm 2023, ngoài 10 đơn vị thành viên ĐHQG-HCM (mỗi trường dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này) còn có 87 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả thi ĐGNL ĐHQG-HCM để tuyển sinh. Năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều trường đăng ký sử dụng kết quả thi ĐGNL hơn nữa. Việc tham dự kỳ thi ĐGNL sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân. 

Bên cạnh đó, kỳ thi đã giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh các trường THPT, giúp học sinh THPT học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn.

Bài thi ĐGNL ĐHQG-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc của bài thi ĐGNL gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; và Giải quyết vấn đề.

Phần 1. Sử dụng ngôn ngữ (40 câu)

a) Tiếng Việt (20 câu)

Đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và sử dụng tiếng Việt, và khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học. Đề thi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan.

Nội dung đánh giá  Mô tả
Hiểu biết văn học Đánh giá khả năng hiểu các kiến thức văn học cơ bản như: phong cách sáng tác của các tác giả tiêu biểu, nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm; vai trò của tác giả, tác phẩm đối với lịch sử văn học.
Sử dụng tiếng Việt Đánh giá khả năng nhận biết vấn đề về sử dụng tiếng Việt như: xác định những từ viết không đúng quy tắc chính tả, những từ sử dụng sai, những câu mắc lỗi ngữ pháp diễn đạt; nhận biết cấu tạo từ, các biện pháp tu từ, các vấn đề thuộc về ngữ pháp câu, các thành phần trong câu, phép liên kết câu,…
Đọc hiểu văn bản Đánh giá khả năng phân loại đặc trưng phong cách (phong cách thể loại, phong cách tác giả, phong cách chức năng ngôn ngữ, …), xác định ý nghĩa của từ/câu trong văn bản, cách tổ chức văn bản, các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng, nội dung và tư tưởng của văn bản.

b) Tiếng Anh (20 câu)

Đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh tổng quát ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, thông qua các nội dung: lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn:

Nội dung đánh giá Mô tả
Lựa chọn cấu trúc câu Đánh giá khả năng hiểu và áp dụng các cấu trúc câu thông qua việc yêu cầu thí sinh chọn từ/cụm từ có cấu trúc phù hợp để điền vào khoảng trống.
Nhận diện lỗi sai Đánh giá khả năng hiểu các kiến thức ngữ pháp và áp dụng để giải quyết vấn đề thông qua việc nhận diện lỗi sai trong những phần được gạch chân.
Đọc hiểu câu Đánh giá khả năng đọc hiểu câu và khả năng áp dụng kiến thức ngữ pháp đã học thông qua việc chọn câu có nghĩa gần nhất với câu đã cho.
Đọc hiểu đoạn văn  Đánh giá khả năng hiểu và áp dụng kiến thức ngữ pháp cũng như kỹ năng đọc lướt để lấy thông tin (skimming) và đọc kỹ để tìm chi tiết (scanning), cụ thể: đọc lướt để trả lời câu hỏi lấy ý chính (main idea), đọc kỹ để trả lời các câu hỏi tham chiếu (reference), câu hỏi chi tiết (detail), câu hỏi từ vựng (vocabulary), câu hỏi suy luận (inference).

Phần 2. Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu)

Đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu:

Nội dung đánh giá Mô tả
Toán học Đánh giá khả năng hiểu và áp dụng các kiến thức toán học trong chương trình giáo khoa trung học phổ thông thuộc các nội dung: ứng dụng của đạo hàm để khảo sát hàm số, số phức (tìm phần thực, phần ảo Mô-đun, không có phương trình bậc 2, không có dạng lượng giác), hình học thuần túy, hình học tọa độ, tích phân và ứng dụng của tích phân, tổ hợp và xác suất, hàm số logarit, giải toán bằng cách lập hệ phương trình, giải hệ phương trình tuyến tính suy biến.
Tư duy logic Đánh giá khả năng suy luận logic thông qua các hình thức logic đơn lẻ và nhóm logic tình huống. Dựa vào các thông tin được cung cấp trong mỗi tình huống logic cùng với kỹ năng suy luận và phân tích, thí sinh tìm phương án khả thi cho các giả định được đưa ra.
Phân tích số liệu Đánh giá khả năng đọc và phân tích số liệu thực tế thông qua các sơ đồ và các bảng số liệu. Các sơ đồ và bảng biểu xuất hiện trong đề thi gồm: biểu đồ tròn, biểu đồ Venn, biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ dạng bảng số liệu.

Phần 3. Giải quyết vấn đề (50 câu)

Đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc năm lĩnh vực, gồm ba lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và hai lĩnh vực khoa học xã hội (địa lí, lịch sử):

Nội dung đánh giá Mô tả
Lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lí, sinh học) Các câu hỏi đơn lẻ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản liên quan đến ba lĩnh vực khoa học tự nhiên: hóa học, vật lý, sinh học.
Các nhóm câu hỏi tình huống đánh giá khả năng đọc, tư duy, suy luận logic về hóa học, vật lí, sinh học thông qua dữ kiện được cung cấp trong các bài đọc và kiến thức đã học; đánh giá khả năng  áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết các vấn đề liên quan.
Lĩnh vực khoa học xã hội (địa lí, lịch sử)

Các câu hỏi đơn lẻ đánh giá khả năng  hiểu kiến thức giáo khoa cơ bản liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội: địa lý, lịch sử.

Các nhóm câu hỏi tình huống đánh giá khả năng đọc, tư duy, suy luận logic về địa lý, lịch sử thông qua dữ kiện được cung cấp trong các bài đọc, kiến thức đã học hoặc kiến thức thực tế; năng lực áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết các vấn đề liên quan.

Kết quả thi ĐGNL được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần Giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Năm 2024, kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Kỳ thi sẽ được tổ chức 02 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và mở rộng nhiều địa điểm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Các mốc thời gian, ngày thi và địa điểm tổ chức kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM năm 2024:
     Đợt 1:

  • 22/01/2024: Mở đăng ký dự thi ĐGNL đợt 1;
  • 04/3/2024: Kết thúc đăng ký dự thi ĐGNL đợt 1;
  • 07/4/2024: Tổ chức thi ĐGNL đợt 1 tại 24 tỉnh/thành phố gồm:
-  Trung và Nam Trung Bộ: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận;
-  Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng;
-  Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh;
-  Tây Nam Bộ: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu.
 
  • 15/4/2024: Thông báo kết quả thi ĐGNL đợt 1.

     Đợt 2: 

  • 16/4/2024: Mở đăng ký dự thi ĐGNL đợt 2;
  • 07/5/2024: Kết thúc đăng ký dự thi ĐGNL đợt 2;
  • 02/6/2024: Tổ chức thi ĐGNL đợt 2 tại 12 tỉnh/thành phố gồm:
-  Trung và Nam Trung Bộ: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa;
-  Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng;
-  Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương;
-  Tây Nam Bộ: Tiền Giang, An Giang.
 
  • 10/6/2024: Thông báo kết quả thi ĐGNL đợt 2.

Thí sinh dễ dàng đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thông qua cổng thông tin trực tuyến tại địa chỉ: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ và đóng lệ phí bằng cách sử dụng một trong các ví điện tử thanh toán sau: Viettel Money, FPTPay, Momo và Payoo.  

Thí sinh có thể xem các thông tin liên quan đến kỳ thi như: bài thi mẫu; hướng dẫn đăng ký dự thi và đóng lệ phí dự thi; các câu hỏi thường gặp về kỳ thi tại địa chỉ website: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ hoặc http://cete.vnuhcm.edu.vn/thi-danh-gia-nang-luc.html.

  • Chia sẻ

Đề án tuyển sinh

Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất

Trường đại học Nha Trang tuyển sinh Đại học. Thông tin tuyển sinh Đại học của Trường Đại học Nha Trang
Đề án tuyển sinh các năm

Đề án tuyển sinh các năm

Đề án tuyển sinh các năm của Trường Đại học Nha Trang
Giới thiệu trường

Giới thiệu trường

Trường đại học Nha Trang tuyển sinh Đại học. Thông tin tuyển sinh Đại học Cao đẳng của trường Đại học Nha Trang
Ngành nghề và chỉ tiêu

Ngành nghề và chỉ tiêu

Ngành nghề và chỉ tiêu đào tạo trường đại học Nha Trang. Ngành nghề tuyến sinh thuôc 4 nhóm Kinh tế - Ngoại ngữ, Kỹ thuật - Công nghệ, Công nghệ - Thủy sản, Đào tạo chất lượng cao.
Phương thức, đối  tượng, phạm vi TS

Phương thức, đối tượng, phạm vi TS

Trường đại học Nha Trang tuyển sinh Đại học. Thông tin tuyển sinh Đại học Cao đẳng của trường Đại học Nha Trang
Tuyển sinh liên thông, bằng 2

Tuyển sinh liên thông, bằng 2

Trường Đại học Nha Trang Tuyển sinh liên thông, bằng 2