Lưu trữ nhiều mẫu vật có giá trị
Khai thác thủy sản là một ngành nghề quan trọng đối với những quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam. Từ xa xưa, con người đã sử dụng nhiều loại ngư cụ có cấu trúc và mức độ tinh xảo khác nhau để khai thác thủy sản phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Tại Bảo tàng Ngư cụ - Trường ĐH Nha Trang hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 100 mẫu vật, đại diện cho các ngành nghề khai thác thủy sản đã xuất hiện tại nước ta. Các mẫu vật được chia thành 5 nhóm, gồm nhóm ngư cụ đóng (các loại lưới rê đơn, rê kép, rê hỗn hợp), nhóm ngư cụ lọc (lưới rùng, lưới vây, lưới chụp, lưới mành…), nhóm ngư cụ kéo (các loại lưới kéo đơn, lưới kéo đôi…), nhóm ngư cụ cố định và ngư cụ bẫy (đăng, nò, lồng bẫy…), nhóm ngư cụ câu (câu vàng, câu tây…). Bên cạnh những mẫu vật do đội ngũ cán bộ, giảng viên Viện KH&CNKT Thủy sản tìm kiếm để lưu giữ hoặc thực hiện mô hình, không ít những mẫu vật tại Bảo tàng được chính các thế hệ sinh viên sưu tầm và đóng góp trưng bày.
Một trong những nhóm mẫu vật được xem là kỳ công và mất nhiều thời gian bố trí nhất là mô hình địa hình sông biển, bố trí các loại ngư cụ đại diện những ngành nghề khai thác thủy sản thô sơ mà các thế hệ ông cha đã sử dụng. Dựa trên thông tin, kiến thức về các vùng nước, các cán bộ, giảng viên của Viện KH&CNKT Thủy sản đã nghiên cứu và thể hiện ngành nghề khai thác bằng cách gắn các loại ngư cụ đặc trưng với từng vùng nước mặn - ngọt, nông – sâu, từ những vật dụng quen thuộc như chiếc nơm úp cá, chiếc dậm cá cho đến những mô hình thu nhỏ hệ thống lưới bẫy cá ở nhiều vùng miền. Cũng từ mô hình này, khách tham quan Bảo tàng có thể có cái nhìn toàn diện về nghề khai thác thủy sản của dân tộc từ xưa đến nay, với sự sáng tạo và khéo léo của con người trong quá trình tìm hiểu và thích ứng với thiên nhiên.
Mô hình địa hình sông biển được bố trí các loại ngư cụ phù hợp với từng vùng miền.
Dễ dàng nhìn thấy tại Bảo tàng ngư cụ những mô hình tàu thuyền, từ thô sơ đến hiện đại. Tất cả đều được thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo tái hiện hình ảnh những chiếc tàu khai thác với đầy đủ dụng cụ, chi tiết đặc trưng và tỉ lệ chính xác nhất. Được thực hiện gần đây nhất là mô hình tàu cá 820cv, tỉ lệ 1/35 theo tiêu chuẩn tàu cá vỏ thép thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nhóm thực hiện đã cố gắng tái hiện hình ảnh con tàu vỏ thép chân thực nhất từ những hầm bảo quản thủy sản, dàn lưới, dàn đèn cho đến hệ thống ống nước trên tàu. Với nhiều người, mô hình tàu thuyền là một trong những điểm thu hút nhất của Bảo tàng ngư cụ, khi có thể nhìn thấy ở đó, quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ thực hiện của các cán bộ, giảng viên để đem đến mô hình gần giống nhất với tàu thực tế.
Mô hình tàu cá 820cv, tỉ lệ 1/35 theo tiêu chuẩn tàu cá vỏ thép.
Chính nhờ quá trình không ngừng sưu tầm mẫu vật, Bảo tàng Ngư cụ của Trường ĐH Nha Trang hiện đang lưu giữ một tập hợp ngư cụ Việt Nam được dựng lại, phục chế, mô hình hóa theo chuẩn mực khoa học nghề cá, theo tiến trình phát triển lịch sử, theo nguyên lý đánh bắt và cấu trúc ngư cụ tương đồng với môi trường vùng nước và đối tượng khai thác phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành khai thác và lĩnh vực nghề cá nói chung.
Địa điểm tham quan và thực hành lý thú
Bảo tàng Ngư cụ được nâng cấp từ Trung tâm thực hành của Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản, chính vì thế, bên cạnh chức năng lưu giữ và trưng bày các hiện vật, Bảo tàng còn được xem là địa điểm tham quan, học tập lý thú dành cho sinh viên và các nhà nghiên cứu ngành Thủy sản.
Sa bàn vùng biển Việt Nam - một trong những mẫu vật đang được trưng bày tại Bảo tàng ngư cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đào tạo gắn với thực hành cho sinh viên của Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản. Từ sa bàn này, giảng viên dễ dàng truyền đạt kiến thức và hướng dẫn sinh viên quan sát thấy rõ những đặc điểm của vùng biển Việt Nam cùng với hệ thống hỗ trợ nghề cá, cảng cá các điểm có ngọn hải đăng... theo cách sống động và trực quan nhất.
Sa bàn vùng biển Việt Nam.
Với những môn học cần quan sát trực tiếp các ngư cụ, thay vì phải ra các cảng biển hoặc các vùng biển có ngư cụ cần tìm hiểu, sinh viên chỉ cần đến bảo tàng ngay trong khuôn viên Nhà trường để trực tiếp quan sát, tìm hiểu thông tin về tàu thuyền và các ngư cụ. Việc này càng thêm ý nghĩa đối với nhu cầu quan sát, tìm hiểu những ngư cụ cổ xưa, đã không còn thông dụng trong nghề biển hiện nay, qua đó, giúp nâng cao tính thực tế trong các hoạt động đào tạo.
Việt Nam là một quốc gia biển, có nền kinh tế gắn bó với biển và nền văn hóa biển lâu đời. Trong đó, vùng duyên hải miền Trung được xem là nơi tạo dựng và bảo lưu những giá trị văn hóa biển phong phú và đa dạng. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, lịch sử phát triển nghề cá cần được bảo tồn cùng với những ngư cụ khai thác cổ truyền tinh xảo, đang có nguy cơ mai một, thất truyền. “Bảo tàng Ngư cụ của Nhà trường là một sự sưu tầm, tìm kiếm công phu, của bao thế hệ thầy trò của Nhà trường. Từ bảo tàng ngư cụ, chúng ta thấy được một quá trình phát triển nghề khai thác thủy sản của đất nước ta, từ những nghề truyền thống cho đến những nghề hiện đại”. – GS.TS Nguyễn Trọng Cẩn – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang chia sẻ suy nghĩ khi đến thăm bảo tàng Ngư cụ.
Hiện nay, Bảo tàng ngư cụ vẫn thường xuyên được cập nhật thông tin về ngư cụ, lưu giữ tài liệu và hiện vật về nghề khai thác được sưu tầm trong và ngoài nước với mong muốn bên cạnh hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn giúp làm tốt nhiệm vụ truyền bá thông tin nghề cá, là địa điểm “tham quan nghề nghiệp” lý thú cho những ai muốn hiểu thêm về nghề khai thác thủy sản Việt Nam.
Một số hình ảnh